Cách trả lời 10 câu kinh điển của các nhà tuyển dụng

Câu này hơn 90% là các bạn sẽ trả lời là “Không, em không có câu hỏi gì?”, thực tế là các bạn không có câu hỏi gì cũng không sao nhưng nếu bạn

1
Hãy giới thiệu về bản thân?

90% các cuộc phỏng vấn sẽ bắt đầu bằng câu này. Hãy chậm rãi, từ tốn và rành mạch kể về các thông tin bản thân, học vấn và sơ qua các kinh nghiệm có được. Nếu bạn đã từng trải qua 1 số công việc thực tế mà bạn rất tâm đắc về nó, thì đây là sẽ cơ hội rất tốt cho các bạn với cách trả lời khi đi phỏng vấn đủ thông minh để lái nhà tuyển dụng hỏi sang câu thứ 2 để ghi điểm bằng cách:

Hãy kể kỹ hơn 1 chút hoặc hướng sự chú ý của nhà tuyển dụng đến 1 công việc nào đó mà bạn đã chuẩn bị rất kỹ. Ví dụ: “…trong đó em đã từng làm công việc A, mới có 1 năm thôi những em đã học được abc xyz” hoặc “…trong đó việc A rất có ý nghĩa với em vì…” hoặc “…công việc này giúp em rất nhiều vì…”.

Điều này sẽ gây tò mò cho nhà tuyển dụng và tỷ lệ nhà tuyển dụng hỏi tiếp về công việc đó là rất lớn. Lúc đó bạn đã lái nhà tuyển dụng thành công và chỉ việc ghi điểm.

2
Tại sao bạn lại muốn làm việc này

Câu này tương đương với câu “Bạn có nghĩ bạn hợp với công việc không?”. Hãy kể ra những điểm tương đồng giữa tính cách, kinh nghiệm, kỹ năng của bạn với tiêu chí của công việc đó. Đừng có nói theo kiểu 100 người giống nhau như là: “Em thích môi trường chuyên nghiệp”, “Em thích môi trường năng động như Công ty”….Đây là những câu trả lời không có sự khác biệt và ấn tượng, thậm chí là dập khuôn máy móc.

Hãy trả lời rằng, Bạn thích công việc đó vì nó mang lại cho bạn cái gì? Niềm vui trong công việc hay trí thức hay cơ hội mở rộng quan hệ…v.v.v.v. và bạn có những kỹ năng, kinh nghiệm hoặc tâm huyết của bạn dành cho công việc đó như thế nào?.

3
Tại sao bạn lại nghỉ việc công ty cũ

Đây là 1 câu khó và nếu các bạn không khéo thì trả lời kiểu gì cũng bị bất lợi. Giả sử các bạn nói nghỉ bởi vì Công ty cũ làm bạn không hài lòng hay bạn không ưa các đồng nghiệp…thì rõ ràng bạn đã tự kéo áo cho người khác xem lưng. Còn nếu bạn khen Công ty cũ thì sẽ bị nhà tuyển dụng hỏi lại là “Vậy thích thế sao em còn nghỉ để xin vào đây?”.

Cách trả lời tốt nhất là: Hãy kể 1 chút về Công ty cũ và tỏ ý biết ơn những trải nghiệm, bài học mà các đồng nghiệp và sếp cũ đã mang lại cho bạn. Sau đó hãy nhấn mạnh rằng, công việc ứng tuyển đây là công việc bạn yêu thích và cơ hội đã đến với bạn, bạn không thể không chớp lấy. Cách trả lời này hòa hợp cả 2 tiêu chí là tôn trọng người cũ và tôn vinh người mới.

Tuy nhiên, cách trả lời trên sẽ không hợp lý nếu tính chất công việc cũ và mới của các bạn là giống y hệt nhau chỉ khác mỗi Công ty. Trường hợp này hãy xác định rõ quy mô của 2 tổ chức.

Nếu đơn vị cũ của bạn nhỏ hơn thì hãy tỏ ý rằng bạn muốn thử thách lớn hơn tại công ty lớn. Nếu đơn vị cũ của bạn lớn hơn thì hãy tỏ ý rằng bạn muốn áp dụng kinh nghiệm tại 1 tổ chức lớn sang 1 tổ chức nhỏ để tăng sự hiệu quả.

4
Điểm mạnh của bạn là gì?

Câu này là mục đích định vị bản thân bạn đang ở đâu và tại sao chúng tôi phải thuê bạn. Điều này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn có chuẩn bị trước và ghi vào trong CV. Hãy kể những thành tích, kinh nghiệm và kỹ năng tốt nhất mà bạn có. Hãy nói về 2 loại Điểm Mạnh bao gồm kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.

Tất nhiên, những điểm mạnh này phải có liên quan đến công việc ứng tuyển và chỉ nói điểm mà bạn tự tin nhất, đồng thời khẳng định rằng mình làm điều đó tốt.

5
Điểm yếu của bạn là gì?

Tương tự như trên, bạn cần chuẩn bị trước phần này. Nếu như chuẩn bị tốt thì đây sẽ là phần mà bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Hãy thành thật kể ra những điều mà mình còn yếu và để ghi điểm hãy kể lại quá trình mà bạn nhận ra điểm yếu đó, quá trình mà bạn đã cố gắng để khắc phục nó và những kết quả mà bạn đã đạt được.

Điều này sẽ gây ấn tượng khá tốt với nhà tuyển dụng, vì bạn đã thể hiện được bạn là người biết mình biết ta, biết nhận thức được đâu là điểm yếu của mình và có ý thức khắc phục sửa chữa.

6
Sau 5 năm nữa bạn sẽ là gì ở công ty?

Tương tự câu: Mục đích công việc của bạn là gì? Nhưng câu này phải trả lời cụ thể hơn. Tuyệt đối không trả lời theo kiểu: “Em hứa sẽ cố gắng…”, “Em sẽ cố gắng học hỏi…”, “Em hy vọng….”. Đó không phải là điều mà nhà tuyển dụng cần. Họ cần một người có mục tiêu rõ ràng, có tham vọng và chí tiến thủ chứ không cần 1 người học việc.

Tất nhiên cũng đừng có ngông cuồng tuyên bố rằng em sẽ làm sếp vì nói thế chẳng khác nào bạn nói thẳng vào mặt sếp bạn: “Em sẽ ngồi vào vị trí của anh trong 5 năm nữa”.

Tốt nhất, hãy nói rằng bạn sẽ là 1 trong những nhân viên xuất sắc của đơn vị. Bạn luôn sẽ hoàn thành công việc ở mức tốt nhát có thể, bất chấp giờ giấc, ngày nghỉ ra sao. Bạn sẽ hoàn thành các khóa học mà nó sẽ giúp chuyên môn, kỹ năng của bạn được nâng cao..v.v.v.Tóm lại, cứ tự tin lên.

7
Bạn muốn mức lương thế nào?

Đây là câu hàm ý rằng “Giá trị của bạn là bao nhiêu”. Tiền là thước đó giá trị, do đó hãy tìm hiểu thật kỹ mức lương trung bình vị trí mà bạn đang ứng tuyển trên thị trường là bao nhiêu? Mức lương cho vị trí đó ở công ty khác là bao nhiêu? ở Công ty mà bạn ứng tuyển là bao nhiêu (nếu được)? và so sánh với khả năng của bạn?

Một nguyên tắc ngầm trong đàm phán lương bổng đó là mức lương công việc mới sẽ cao hơn mức lương cũ là 30%.

Nếu bạn rất tự tin về khả năng của mình và chứng tỏ được nó trong buổi phỏng vấn thì hãy lấy mức lương trung bình ở trên cộng thêm 30%. Nếu bạn không tự tin lắm thì hãy nói ở mức sàn mà bạn đã khảo sát. Lưu ý, đừng nên trả giá bản thân mình thấp hơn mức thị trường vì nó sẽ phản ánh giá trị của bạn.

8
Bạn đã làm hỏng việc gì chưa?

Câu này hỏi về những thất bại và bài học của các bạn và nó cũng kiểm tra luôn mức độ nhiệt tình của các bạn trong công việc cũ. Nếu các bạn trả lời là “Không có” thì điều đó có nghĩa các bạn Không dám làm gì? hoặc lẩn tránh mọi công việc nên mới không có một thất bại hoặc bài học nào.

Hãy tự tin kể về các thất bại của mình như 1 chiến tích và sau đó hãy nói về bài học mà các bạn đã học được sau thất bại. Nó chứng tỏ rằng bạn là 1 người có trách nhiệm với công việc, có trách nhiệm với bản thân và có ý thức vươn lên hoàn cảnh. Và đương nhiên giữa 2 người. 1 người dám làm, dám thất bại và đứng lên, 1 người không dám làm gì nên không có thất bại nào. Bạn nghĩ nhà tuyển dụng sẽ chọn ai?

Cũng có 1 số nhà tuyển dụng sẽ hỏi thêm đó là “Trong trường hợp gặp tình huống khó khăn thì bạn sẽ làm thế nào?”. Thì hãy nhớ nguyên tắc, nếu bạn gặp khó khăn trong công việc, đầu tiên hãy nghĩ ra phương án giải quyết và trình bày với sếp, đừng tự ý làm điều gì nếu sếp bạn chưa thông qua.

9
Hãy kể về những công việc bạn đã làm?

Đây cũng là câu chắc chắn các bạn sẽ gặp nhưng nếu không chuẩn bị kỹ thì các bạn cũng sẽ không thể kể nổi 1 câu chuyện ra hồn, nó cũng chỉ loanh quanh ở mức mô tả và liệt kê, đương nhiên như vậy bạn sẽ không ghi được điểm.

Nghệ thuật kể chuyện hay theo thuật ngữ truyền thông nó là Content Marketing (truyền thông bằng kể chuyện) là các bạn phải kể 1 câu chuyện mà trong đó mang 1 thông điệp nào đó.

Tương tự vậy, hãy kể những công việc của các bạn trong đó nói về công việc cụ thể bạn làm hàng ngày, trách nhiệm của các bạn trong công việc đó, thành tựu, thất bại và những bài học. Trong đó phải nêu bật được lên những kinh nghiệm, kỹ năng và những gì bạn đã trải qua phù hợp với công việc hiện tại. Đó chính là mục đích của nhà tuyển dụng muốn nghe.

10
Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?

Câu này hơn 90% là các bạn sẽ trả lời là “Không, em không có câu hỏi gì?”, thực tế là các bạn không có câu hỏi gì cũng không sao nhưng nếu bạn biết cách hỏi thì đây sẽ là câu ghi điểm cho các bạn so với các ứng viên còn lại. Nhưng nếu hỏi thì đừng hỏi theo kiểu đòi hỏi quyền lợi, như là “Cơ hội thăng tiến thế nào?”, “Cơ hội tăng lương ra sao?”….mà hãy đặt ra những câu hỏi mang tính cầu tiến, thể hiện chí tiến thủ của các bạn.

Ví dụ: “Công ty có các khóa học nào hay các khóa đào tạo để nâng cao chuyên môn kỹ năng cho nhân viên không?” hay “Các nhân viên mới có được đào tạo, chia sẻ về định hướng chiến lược của công ty không?”.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *