Tố chất quan trọng của một hướng dẫn viên du lịch

Có tới 1001 những điều hướng dẫn viên cần quan tâm học hỏi và trau dồi. Nếu bạn ngại học hỏi, không thích sự thay đổi thì bạn chọn nhầm nghề rồi đó.

Có bao giờ bạn tự hỏi tố chất cần thiết cho một hướng dẫn viên du lịch là gì?
Làm công việc gì cũng vậy, chúng ta cũng cần những tố chất nhất định cho nghề nghiệp. Hơn nữa, hướng dẫn viên du lịch là một công việc đặc thù. Nếu ai đã chọn hướng dẫn là cái nghề, cái nghiệp của mình rồi thì đều thấm thía những nỗi nhọc nhằn, gian truân của người dẫn đường.


Bạn đã đi du lịch theo tour, đã từng tiếp xúc với nhiều hướng dẫn viên khác nhau. Và, chắc hẳn cũng đã từng thấy yêu mến cũng như “chán” một anh hay một cô hướng dẫn viên nào đó…

Điều gì làm lên sự khác biệt giữa một người hướng dẫn viên giỏi và người hướng dẫn viên chưa giỏi?

1
Sự yêu thích, lòng say mê

Không chỉ làm hướng dẫn viên đâu, mà trong bất cứ công việc gì bạn làm nếu không có sự yêu thích và lòng say mê thì có thể cho đó là “địa ngục”. Tôi sẽ không phân tích sâu vào vấn đề thế nào là yêu thích, thế nào mà say mê. Thay vào đó, tôi sẽ nói về khía cạnh thực tế khi bạn có ý định dấn thân và nghề này:

Thứ nhất, hướng dẫn viên du lịch là một công việc rất vất vả, có khi còn là nguy hiểm nữa.

Thứ hai, hướng dẫn viên du lịch không phải là công việc có tính chất ổn định và hốt bạc như bạn nghĩ.

Thứ ba, hướng dẫn viên du lịch không phải bạn thích là làm được.

Không phải là dọa các bạn, nhưng thật sự công việc này đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng, nỗ lực thì mới theo được nghề, và để sống với nó như một cái nghiệp thì lại là chuyện hoàn toàn khác.

2
Sức khỏe

Sức khỏe được xếp ở hàng thứ hai sau sự yêu thích và say mê nhưng là điều kiện không thể thiếu. Có thể nói điều kiện cần là sự yêu thích và lòng say mê và điều kiện đủ là sức khỏe để có thể trở thành hướng dẫn viên.

3
Kiến thức và kỹ năng

Như bạn biết đấy, hướng dẫn viên là công việc tương tác giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với lịch sử, giữa con người với văn hóa. Chính vì vậy kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử là không thể thiếu. Ngoài ra, làm thế nào đem những người bạn nước ngoài đến gần với Việt Nam, hiểu và yêu đất nước ta hơn thì còn phụ thuộc vào trình độ ngoại ngữ của người hướng dẫn (nghe và nói là 2 kĩ năng quan trọng nhất). Đem đến sự hứng thú, vui vẻ cho khách du lịch hay không là nhờ kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tổ chức, kĩ năng quan sát của người hướng dẫn viên.

Đó là những điều kiện tiên quyết để bạn có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch.

4
Lòng yêu nghề, cái tâm cho nghề

Nếu bạn không thể vượt qua những khó khăn ban đầu khi bước vào nghề thì làm sao bạn có thể trở lên chuyên nghiệp? Phải yêu nghề lắm, phải đam mê lắm một người mới gắn bó được với nghề vài năm, rồi duy trì lòng yêu nghề đó tới cả chục năm, và gắn bó chọn đời với nghề.

Giới trẻ giờ thích trải nghiệm những cái mới, thích thay đổi và làm nhiều công việc khác nhau. Có lẽ, hướng dẫn viên chỉ được chọn làm nghề tay trái???

5
Luôn học hỏi và tìm tòi

Kiến thức là vô cùng quan trọng để bạn trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Kiến thức sâu rộng về xã hội, văn hóa giờ đây không chỉ dừng ở địa phương nữa mà mang tính quốc tế, có nghĩa là bạn phải biết được về tình hình xã hội, nền văn hóa đất nước của cả những người khách của mình. Không ngừng nâng cao vốn ngoại ngữ. Đừng dừng lại ở một ngôn ngữ, hãy học tất cả những gì bạn có thể…

Có tới 1001 những điều hướng dẫn viên cần quan tâm học hỏi và trau dồi. Nếu bạn ngại học hỏi, không thích sự thay đổi thì bạn chọn nhầm nghề rồi đó.

Làm hướng dẫn viên mỗi chuyến đi, mỗi nơi đến, mỗi người khách là những điều mới mẻ khác nhau…

6
Xây dựng hình ảnh

– Phong thái : tự tin.
– Tâm thế : nhiệt tình, cởi mở, thân thiện, nồng ấm…
– Tác phong : nhanh nhẹn, hoạt bát…
– Ngoại hình : gọn gang, ưa nhìn…
– Phong cách: mỗi người hướng dẫn viên có một phong cách riêng để du khách có những ấn tượng tốt đẹp.

Bạn không chỉ là hướng dẫn viên mà bạn còn là đại diện cho nước nhà với bạn bè quốc tế khi giới thiệu đến họ thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Thông qua bạn, du khách sẽ có đánh giá riêng của họ…Chính vì vậy bạn phải tạo cho mình hình ảnh chuyên nghiệp theo tiêu chí trên được.

Hãy suy nghĩ kĩ, xây dựng cho mình niềm tin và những tố chất cần thiết khi bước vào bất cứ ngành nghề nào, không chỉ là hướng dẫn viên du lịch ( một công việc thú vị nhưng cũng đầy chông gai).

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *